Tư vấn 24/7: 0985721994

https://www.facebook.com/ManhYenFarm

CHÍCH CHÒE THAN – Cách chăm sóc, gột bổi và ghép sinh sản

Chích chòe than là một dòng chim nhỏ được phân bố nhiều ở vùng nhiệt đới Nam và Đông Nam Á. Có thể bắt gặp được ở hầu hết đô thị và khu rừng nhiệt đới, đặc điểm nổi bật là màu sắc có trắng và đen phân bổ rõ rệt, chim trống và mái có thể dễ dàng phân biệt bởi bộ cườm của nó. Vì có giọng hót rất hay và dài nên được nhiều người nuôi làm cảnh và nghe hót. Chim Cảnh Mạnh Yến xin tổng hợp thông tin chi tiết của loài chim này trong bài viết dưới đây để các bạn tham khảo, từ cách chăm chim non, gột bổi đến chế độ dinh dưỡng và ghép sinh sản.

Chim chích chòe than

Đặc điểm của chim chích chòe than

Với bộ lông có 2 mảng màu đen và trắng khá dễ phân biệt, với cái đuôi luôn vểnh lên là đặc điểm hình thái chính của loài chim này. Cùng tìm hiểu thêm những đặc điểm hình thái nổi bật nhất.

Đặc điểm hình dáng

Chích chòe than có hình dáng và bóng bộ khá nhỏ, chiều dài từ 18-22cm tùy con tính từ mỏ đến đuôi, đặc biệt chim trống và chim mái trưởng thành rất dễ phân biệt bởi bộ cườm chim trống thường đen nháy còn chim mái sẽ có màu xám đậm.

– Chim trống thì trên lưng sẽ có phần lông màu đen, còn phần đầu, cổ ngoài và vai thì có một mảng trắng. Các phần phía dưới và bên đuôi dài cũng có màu trắng.

– Chim mái sẽ có những khoảng lông màu xám đen và xám trắng.

Với những chú chim non, chúng sẽ có những mảng màu nâu xếp lại trông như vảy trên lưng và đầu. Ngoài những chú chim có bộ lông màu đen – trắng, xám- trắng thì thỉnh thoảng cũng có những chú chòe than mang bộ lông độc chỉ một màu trắng hoặc đen tuyền, đó là những chú chim đột biến tự nhiên rất có giá trị và hiếm gặp.

chích chòe than trống mái

Đăc điểm tính cách

Chích chòe than trong tự nhiên là một loài chim khá hiền lành nhưng tập tính lãnh thổ của chúng vô cùng cao đặc biệt khá hung dữ trong mùa sinh sản, nếu có đối tượng lạ tiếp cận trong phạm vi lãnh thổ hoặc tổ của chúng thì chúng sẽ ra sức bảo vệ đến cùng.

Với những chú chim nuôi từ lúc nhỏ, chúng khá mau dạn và quấn người nếu được chăm sóc thường xuyên. Chòe than là một dòng chim ăn sâu bọ nên chúng hoạt động ở tầng thấp, thường xuyên thấy chúng nhảy trên mặt đất và bay là ở tầng thấp để kiếm mồi.

Giọng hót chim chích chòe than

Chòe Than có giọng hót cao và dài đối với chim trống, còn chim mái thì chỉ có tiếng rít và chuyện rất nhỏ vì vậy đa số anh em đều chỉ nuôi chim trống. Giọng hót cao, dài, đảo giọng liên tục và khá êm ả không như họa mi nên được anh em khá ưa chuộng nuôi, tuy nhiên nhược điểm là vào mùa đông lạnh ở Miền Bắc chúng hầu như không hót, họa hiếm khi có ngày nắng là chúng hót 1 chút.

Đối với những chú chim hay, khi hót chúng sẽ xòe đuôi thậm chí xòe cánh nhìn rất bắt mắt – có thể nói vừa hót vừa múa như chim khướu. Tuy nhiên đẻ tìm được một chú chim bung xòe như vậy cũng không phải dễ dàng.

Mùa sinh sản

Mùa sinh sản của chích chòe là vào những ngày cuối xuân, đầu hạ ấm áp. Khoảng từ tháng 3 âm lịch đến tháng 9 là kết thúc, chúng sẽ bắt cặp trong mùa sinh sản. Mỗi mùa chúng sinh sản 2-3 lứa tùy vào điều kiện thức ăn và môi trường – cả con người nữa.

Mỗi lứa chích chòe than đẻ tầm 3 – 6 trứng và trứng ấp trong khoảng 14 ngày thì sẽ nở thành chim con. Trong tuần đầu vừa đẻ, chim mẹ hầu như nằm yên trong tổ để ấp trứng, nó sẽ chỉ ra ngoài thời gian ngắn để ăn hoặc chim bố mang về cho nó. Khi chim con nở cả bố và mẹ đều có nhiệm vụ kiếm thức ăn cho chim con.

Khi được khoảng từ 25 ngày tuổi, chim con sẽ đủ lông, đủ cánh và có thể tập bay. Chim bố mẹ sẽ hướng dẫn đàn con của mình chuyền cành cho đến khi thành thạo rồi quay trở lại tổ và bắt đầu cho lứa trứng tiếp theo. Đàn con lớn vẫn sẽ thỉnh thoảng được chim bố bay kè bên cạnh để hỗ trợ. Đến khi chúng đã thực sự cứng cáp thì sẽ tách nhau ra và sống độc lập.

Mùa thay lông

Ngay sau mùa sinh sản là mùa thay lông của chim, không chỉ riêng chích chòe mà hầu hết mọi loại chim đều như vậy. Với chòe than chúng thường thay lông trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch. Việc thay bỏ lớp lông cũ sẽ giúp chòe than có được bộ lông mới đẹp hơn.

Để duy trì khả năng bay tự nhiên thì lông sẽ thay điểm chứ không thay hàng loạt ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng bay của chúng. Từ lúc lông bắt đầu rụng đến khi có bộ lông mới hoàn chỉnh, chòe than phải mất khoảng từ 3 tháng cho quá trình này. Lông sẽ được thay từ từ bắt đầu từ phần đầu, sau đó xuống đến thân rồi đuôi và cánh. Những phần lông rụng trước sẽ mọc lông mới trước.

Đối với chim nuôi nhốt nếu bạn chăm sóc kỹ mùa thay lông thì quá trình sẽ nhanh hơn, một số anh em hay ủ lồng để cho lông thay nhanh hơn, điều đó phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp chim khỏe mạnh không bị suy. Thức ăn nên cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và hạn chế cho ăn đồ nóng rất dễ làm lông chim bị xoăn sau khi thay.

chích chòe than đẹp

Kinh nghiệm chăm sóc chim chích chòe than

Việc chăm sóc chòe than khá đơn giản và không quá cầu kỳ, tùy vào việc bạn nuôi chòe than giai đoạn nào mà có thể chăm sóc được đúng và tốt nhất, mình sẽ hướng dẫn từng thời kỳ cho các bạn dễ dang hơn trong việc chăm sóc.

Cách cho ăn và chăm sóc đối với chim non

Chim non từ khi nở đến 7-10 ngày là các bạn có thể tách khỏi bố mẹ ( với ngoài thiên nhiên và ghép sinh sản ) đây là thời điểm chim non đã vỡ lông ống có thể nuôi khá dễ dàng. Đối với dinh dưỡng các bạn nên cho ăn dế ( tốt hơn thì bụng dế vứt phần đầu đi ) còn không cho ăn cả con dế cũng dk, thời gian cho ăn cách nhau tầm 1,2 đến 2 tiếng, chỉ cho ăn cầm chừng không cho ăn quá no, nên kết hợp với cám gà con hòa sệt đút cho chim ăn. Hiện tại mình đang cho ăn theo chế độ này chim khỏe và béo. Các bạn nên nuôi chỗ kín đáo tránh gió.

Nên ủ ấm cho chim non tránh chim bị lạnh, khi đến thời gian chúng sẽ tự lên cầu đậu bạn không cần vội vàng bắt chúng đậu ngay mà để chúng tự nhiên tránh trường hợp bị lỗi chân, thời gian này chim bắt đầu nhận biết xung quanh nên hay bay loạn thúc lồng các bạn dành thời gian cho ăn và vuốt ve thì chúng sẽ quen rất nhanh với người nuôi.

Khi lên cầu đậu chúng sẽ bắt đầu tập mổ được, khi cho ăn bạn không đút ngay mà hãy dử chúng mổ vào que cho ăn, vài lần quen chúng thấy que sẽ tự mổ. Sau đó các bạn nên hòa cám gà sệt để trong lồng cho chúng tự ăn, khi ăn cám sệt tốt các bạn chuyển dần cám khô khi chúng mổ cứng là thành công.

Cách vào cám với chích chòe than bổi

Chòe than bổi hay mộc tinh ( là chim vừa được bẫy về chưa ăn cám ) việc đầu tiên của các bạn là vào cám cho chúng, vì khi ăn được cám anh em mới dễ chăm sóc và cám có đủ dưỡng chất giúp chim không bị quá gầy và suy. Không giống với chim chào mào hay chim khuyên có thể ăn hoa quả thì việc vào cám cho chòe khó hơn 1 chút nhưng không sao việc vào cám không khó.

Đối với mình việc vào cám như sau: sau khi bẫy về bạn trùm kín lồng cho chim tĩnh ( chỉ để hé 1 chút cho chim nhìn thấy thức ăn và nước uống ), cho chúng ăn sâu – sâu quy, sâu rồng, sâu gạo… tùy các bạn. Khoảng 2 ngày nếu thấy chim ăn tốt thì các bạn tiến hành vào cám. Đối với sâu các bạn cắt nhỏ từng khúc, càng nhỏ càng tốt – cám gà con các bạn giã hoặc xay nhuyễn thành dạng bột sau đó trộn với sâu đã cắt rồi cho chúng ăn. Khi thấy hết các bạn làm tương tự như vậy, ban đầu chúng sẽ vẩy nhưng sau đó sẽ quen dần lên và ăn cả cám lẫn. Với mình việc này lặp lại khoảng 2-3 ngày là chim hoàn toàn ăn cám.

Khi thấy phân chim có cám kèm theo là việc bạn vào cám cho chim đã hoàn tất, khi đó bạn cho cám không là chúng đã tự ăn rồi, tùy từng con mà việc vào cám lâu hoặc nhanh, mình vào con nhanh nhất chỉ 2 ngày nhưng con lâu nhất trên 10 ngày mới có kết quả. Sau khi chim ăn cám bạn vẫn nên bổ sung mồi tươi – sâu, dế cho chúng để đủ chất. Vào cám thành công bạn hãy nghĩ đến những việc tiếp theo.

Cách chăm sóc chòe than trưởng thành

Cũng như với các loại chim khác, việc chăm sóc chòe khá đơn giản không quá cầu kỳ. Thức ăn nên cho hằng ngày tránh tình trạng dư thừa.

Đối với cám, nước các bạn nên cho ăn và uống trong ngày hôm sau thì thay cám và nước mới, cám để ngoài sẽ mất mùi thơm ngon, nước uống sẽ bị nhớt khi chim thò mỏ vào uống.

Với mồi tươi như sâu các bạn có thể cho 1 cóng riêng hết lại cho ăn, với dế hay trứng kiến nên cho ăn trong ngày thừa bỏ ra tránh tình trạng chết hoặc lên men.

Với giấy lót lồng nên thay trong ngày cho sạch sẽ tránh tình trạng rận mạt nở ra bám vào chim, chòe than rất hay bị mạt ở vùng đầu nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ hằng ngày.

Việc tắm cho chim nên 2 -3 ngày tắm một lần đảm bảo chim không bị bẩn luôn sạch sẽ, nếu rảnh ngày nào các bạn lôi ra tắm cũng được.

Với việc cho ăn uống điều độ, tắm nắng tắm nước đều đặn chim sẽ nhanh lên lửa, siêng hót và có lực. Đây là cách chăm sóc chim hót của mình còn nhiều cách khác mỗi người mỗi kiểu nên anh em có thể tham khảo không phải quy chuẩn chăm chim, mình cũng không chuyên về chòe chỉ có 1,2 con nghe hót nên các nghệ nhân thấy sai hót hãy bổ sung cho mình.

Cách ghép sinh sản chim chích chòe than

Với chim chích chòe nói chung và chòe than nói riêng việc ghép sinh sản cũng có thể nói là khá dễ không quá khó, hiện tại mình đã ghép thành công và chia sẻ cho các bạn cách ghép của mình.

Chọn con giống

Khâu chọn con giống là bước tiền đề và cũng cực kỳ quan trọng trong việc nuôi sinh sản, một số anh em mới bước vào bộ môn này thường hay chọn những chú chim bị tật lỗi, chim xấu để ghép sinh sản với hy vọng nó đẻ là được vì giá thành thấp hơn so với những con chim đẹp không tật lỗi, ý kiến này theo mình không đúng. Nếu bố mẹ tật lỗi, chim xấu thì khả năng sinh sản thấp, có sinh sản thì con cũng không đẹp dù để chơi hay bán đều khó. Vì chim bố mẹ ảnh hưởng gen và tính cách, bóng bộ đến chim non rất nhiều.

– Đối với chim non lên: Chòe than có thể sinh sản tốt nhất ở mùa thứ 2 sau khi non lên, mùa đầu tiên cũng có thể sinh sản nhưng tỉ lệ thấp hơn. Các bạn nếu có chim trống mái non nuôi được 2 mùa mà muốn ghép sinh sản thì có thể sử dụng được ngay.

– Đối với chim già rừng: Tất nhiên nên chọn những con có bóng bộ đẹp, tố chất để ghép. Chim non sẽ ảnh hưởng từ ngoại hình đến thái độ, tính cách của bố mẹ nên muốn sản phẩm tốt thì bố mẹ cũng phải tốt. Nên chọn cặp bố mẹ thuần – càng thuần càng tốt vì tỉ lệ sinh sản sẽ cao hơn chim bổi.

Tiến hành bắt cặp cho chim trống mái

Nếu ở ngoài tự nhiên thì chim sẽ tự lựa chọn bắt cặp với nhau tuy nhiên khi nuôi sinh sản mình phải ép cặp cho nó, hầu hết mình ép cặp đều thành công nên vấn đề này các bạn không cần quá lo lắng. Hiện tại mình đang sử dụng 2 cách ép cặp các bạn tham khảo:

– Cách 1: Sau khi lựa chọn được trống mái ưng ý, các bạn nhốt lồng nhỏ sau đó treo cạnh nhau, cho chúng nhìn nhau tầm 7-10 ngày sau đó thả vào avi cùng lúc, trong quá trình đó các bạn không được cho trống mái nhìn thấy những con chim khác để chúng không có lựa chọn nào khác.

– Cách 2: Thả chim mái vào trong avi sinh sản trước, sau đó treo lồng chim trống trong avi đến khi chúng quen nhau, chim mái hay bám vanh lồng chim trống thì mái đã chịu chim trống, chim trống múa dụ chim mái là biểu hiện của việc chim trống ưng chim mái, khi đó các bạn thả chim trống ra là được.

Nếu chim trống mái nuôi từ nhỏ đã quen nhau các bạn có thể thả trực tiếp vào avi sau đó theo dõi, nếu trống không đuổi đánh mái là yên tâm. Đối với Miền Bắc mình thường bắt cặp cho chúng vào dịp tết âm lịch, khi đó thời tiết đã không còn quá lạnh, bắt cặp thời điểm này chim trống mái sẽ có thời gian làm quen nhau ra xuân thời tiết ấm lên là bắt đầu sinh sản được.

Xây dựng chuồng nuôi – Aviary sinh sản

Chuồng nuôi sinh sản ( đối với chim được gọi là aviary hay avi ) cho chim chích chòe không cần quá cầu kỳ, diện tích to hay nhỏ tùy vào địa điểm của các bạn, chỉ cần khô ráo, thoáng mát và ít động, đặc biệt chuột rắn không vào trong avi là được. Hiện tại avi nhà mình đang có diện tích khá khiêm tốn, cụ thể chiều dài 1,2m, chiều rộng 1m và chiều cao 1,8m cho 1 đôi chim sinh sản.

Avi bạn có thể xây gạch chắc chắn hoặc bắn alu, tôn phẳng đều được. Nên làm 3 mặt kín và 1 mặt lưới đằng trước để dễ dàng cho ăn và tạo được độ thông thoáng cho avi, mùa đông lạnh ở Miền Bắc chỉ cần che bạt mặt trước là có thể giữ ấm cho avi một cách dễ dàng. Mái nên lợp tôn chắc chắn để an toàn và tạo được sự yên tĩnh, nên lợp một tấm nhựa trắng để lấy sáng và nắng giúp chim tắm nắng, trao đổi chất dễ dàng. Lưới nên dùng loại inox 0,5cm hoặc vuông 1cm để tránh rắn, chuột có thể chui vào avi gây hại và làm hoảng chim.

Nên lắp Camera để tiện theo dõi quá trình chim ăn uống, ngủ nghỉ đặc biệt là khi chim sinh đẻ, nuôi con. Nhiều chim trống hay có tật phá trứng, gắp con nên có camera có thể xử lý kịp thời. Với chào mào bạn có thể trồng cây còn chòe thì không cần cây cũng dk, avi cho chòe nhà mình không có cây gì.

Chế độ dinh dưỡng cho chim sinh sản

– Cám: bạn nên chọn những loại cám giàu chất dinh dưỡng, nên dùng những loại cám chuyên dụng cho chim sinh sản. Hiện nay rất nhiều hãng cám nổi tiếng đã sản xuất loại cám chuyên dụng cho chim sinh sản, hiện tại mình chỉ đang có loại cám dành riêng cho chào mào sinh sản ( thường và đột biến ) các bạn có nhu cầu có thể tham khảo TẠI ĐÂY

Còn về cám chòe mình cho ăn cám gà con.

– Mồi tươi: Nếu nuôi chòe sinh sản bạn không thể thiếu mồi tươi, nên cung cấp đầy đủ – lúc nào cũng có để chim ăn thoải mái yên tâm sinh sản. Một số loại mồi bạn nên cho ăn đó là sâu quy, sâu rồng loại nhỏ, dế, cào cào, trứng kiến… Các bạn nên cho ăn đầy đủ từ khi thả vào avi để đảm bảo chim đủ chất để sinh sản.

chích chòe than sinh sản

Còn một số vấn đề khác như chọn chim bổi đẹp, các bệnh thường gặp hay kinh nghiệm nuôi chim đấu hót, chim đá nhưng mình không rành lắm, để mình tìm hiểu thêm rồi chia sẻ thêm cho các bạn ở bài khác. Hy vọng bài viết hữu ích với các bạn, nếu có vấn đề gì gặp phải khi nuôi chim hãy liên hệ với mình để cùng trao đổi.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Website: https://chimcanhmanhyen.com/
Hotline / Zalo: 0985.72.1994
Facebook: https://www.facebook.com/chimcanhmanhyen ( Mạnh Yến )
Tiktok: https://www.tiktok.com/@chimcanhmanhyen ( Chim Cảnh Mạnh Yến )
Địa chỉ: Đội 3 Ngọc Lũ – Bình Lục – Hà Nam.

Đánh giá 5*, Like, Chia sẻ và Bình luận để động viên chúng tôi !
Đánh giá bài viết:
X