Ghép chào mào sinh sản hiện đang là một trào lưu của anh em nuôi chim, khi có thể tự tay ghép ra được sản phẩm chọn lọc để phục vụ thú chơi sau này. Một cặp chào mào bố mẹ đẹp, tố chất thì hoàn toàn có thể cho ra những hậu duệ đẹp và tố chất. Việc ghép sinh sản có lợi thế hơn hẳn với việc bắt chim non ngoài tự nhiên vì chọn lọc được một chú chim non lên có tố chất không phải dễ.
Chim chào mào cũng là một loài chim khá dễ sinh sản nếu biết cách nuôi và chăm sóc chúng, nếu bạn chưa biết cách ghép chào mào sinh sản hãy cùng Chim Cảnh Mạnh Yến tham khảo bài viết này.
Nội dung
Chim chào mào trên thực tế là một loại chim khá dễ sinh sản nếu bạn nuôi đúng cách, tuy nhiên để ra được những chú chim chào mào non không hề đơn giản, là cả một quá trình dài nếu bạn lần đầu bước chân vào lĩnh vực nuôi chim sinh sản. Nhưng bạn cũng không cần phải quá lo lắng vì mình sẽ hướng dẫn chi tiết từng bước cho các bạn có thể thực hành một cách đơn giản nhất.
Dưới đây là một số kinh nghiệm của mình trong 2 năm nuôi chào mào sinh sản muốn chia sẻ đến các bạn.
Khâu chọn con giống là bước tiền đề và cũng cực kỳ quan trọng trong việc nuôi sinh sản, một số anh em mới bước vào bộ môn này thường hay chọn những chú chim bị tật lỗi, chim xấu để ghép sinh sản với hy vọng nó đẻ là được vì giá thành thấp hơn so với những con chim đẹp không tật lỗi, ý kiến này theo mình không đúng. Nếu bố mẹ tật lỗi, chim xấu thì khả năng sinh sản thấp, có sinh sản thì con cũng không đẹp dù để chơi hay bán đều khó. Vì chim bố mẹ ảnh hưởng gen và tính cách, bóng bộ đến chim non rất nhiều.
– Đối với chim chào mào thường: Có thể chọn con giống nuôi non lên vì nó đã quen với môi trường và đã được thuần hóa từ nhỏ, để ghép các bạn chỉ cần chọn 1 trống 1 mái trên 6 tháng tuổi là có thể tiến hành ghép sinh sản. Đối với chào mào bẫy ngoài thiên nhiên thì bạn nên chọn lọc những con chim bóng bộ đẹp, to khỏe để tiến hành ghép cặp, chim càng thuần thì việc ghép sinh sản hiệu quả cho ra sản phẩm sẽ cao hơn so với chim bổi hoặc chim không thuần.
– Đối với chim chào mào đột biến: Nếu đã xác định ghép sinh sản thì các bạn nên chọn những con chim giống đẹp, chào mào đột biến đa số nuôi non lên chứ ít có chim bổi vì thế khi chọn giống các bạn nên chọn những chú chim dưới 6 tháng tuổi, không tật lỗi, bố mẹ đẹp và nếu khác gen ( khác chim bố mẹ ) thì tốt nhất. Không nên chọn loại chim đã trưởng thành vì rất có thể bạn mua phải chim loại, chim thải không có khả năng sinh sản hoặc sinh sản kém. Bố có tật ăn trứng, phá trứng hoặc gắp con khi con nở.
Vì con non sinh ra có bóng bộ, tố chất được thừa hưởng khá nhiều từ bố mẹ vì thế khi chọn giống các bạn hãy chú ý đến bố mẹ nó. Đẻ có ngoan hay không, bố có phá phách gì không… bóng bộ và giọng hót của chim bố có dài, có xoắn hay không. Nếu ưng ý hãy chọn những con giống của những cặp bố mẹ đó để bắt đầu bước chân vào bộ môn sinh sản.
Nếu ở ngoài tự nhiên thì chim sẽ tự lựa chọn bắt cặp với nhau tuy nhiên khi nuôi sinh sản mình phải ép cặp cho nó, hầu hết mình ép cặp đều thành công nên vấn đề này các bạn không cần quá lo lắng. Hiện tại mình đang sử dụng 2 cách ép cặp các bạn tham khảo:
– Cách 1: Sau khi lựa chọn được trống mái ưng ý, các bạn nhốt lồng nhỏ sau đó treo cạnh nhau, cho chúng nhìn nhau tầm 7-10 ngày sau đó thả vào avi cùng lúc, trong quá trình đó các bạn không được cho trống mái nhìn thấy những con chim khác để chúng không có lựa chọn nào khác.
– Cách 2: Thả chim mái vào trong avi sinh sản trước, sau đó treo lồng chim trống trong avi đến khi chúng quen nhau, chim mái hay bán vanh lồng chim trống thì mái đã chịu chim trống, chim trống múa dụ chim mái là biểu hiện của việc chim trống ưng chim mái, khi đó các bạn thả chim trống ra là được.
Nếu chim trống mái nuôi từ nhỏ đã quen nhau các bạn có thể thả trực tiếp vào avi sau đó theo dõi, nếu trống không đuổi đánh mái là yên tâm. Đối với Miền Bắc mình thường bắt cặp cho chúng vào dịp tết âm lịch, khi đó thời tiết đã không còn quá lạnh, bắt cặp thời điểm này chim trống mái sẽ có thời gian làm quen nhau ra xuân thời tiết ấm lên là bắt đầu sinh sản được.
Chuồng nuôi sinh sản ( đối với chim được gọi là aviary hay avi ) cho chim chào mào không cần quá cầu kỳ, diện tích to hay nhỏ tùy vào địa điểm của các bạn, chỉ cần khô ráo, thoáng mát và ít động, đặc biệt chuột rắn không vào trong avi là được. Hiện tại avi nhà mình đang có diện tích khá khiêm tốn, cụ thể chiều dài 1,2m, chiều rộng 1m và chiều cao 1,8m cho 1 đôi chim sinh sản.
Avi bạn có thể xây gạch chắc chắn hoặc bắn alu, tôn phẳng đều được. Nên làm 3 mặt kín và 1 mặt lưới đằng trước để dễ dàng cho ăn và tạo được độ thông thoáng cho avi, mùa đông lạnh ở Miền Bắc chỉ cần che bạt mặt trước là có thể giữ ấm cho avi một cách dễ dàng. Mái nên lợp tôn chắc chắn để an toàn và tạo được sự yên tĩnh, nên lợp một tấm nhựa trắng để lấy sáng và nắng giúp chim tắm nắng, trao đổi chất dễ dàng. Lưới nên dùng loại inox 0,5cm hoặc vuông 1cm để tránh rắn, chuột có thể chui vào avi gây hại và làm hoảng chim.
Nên lắp Camera để tiện theo dõi quá trình chim ăn uống, ngủ nghỉ đặc biệt là khi chim sinh đẻ, nuôi con. Nhiều chim trống hay có tật phá trứng, gắp con nên có camera có thể xử lý kịp thời. Điểm cuối cùng là bạn nên trồng cây tươi trong avi để cho chim có cảm giác giống với tự nhiên hơn, cây thiết mộc lan được mình sử dụng trong avi, có thể trồng cây Sanh hoặc loại cây nào chịu được điều kiện trong avi đều được.
– Cám: bạn nên chọn những loại cám giàu chất dinh dưỡng, nên dùng những loại cám chuyên dụng cho chim sinh sản. Hiện nay rất nhiều hãng cám nổi tiếng đã sản xuất loại cám chuyên dụng cho chim sinh sản, hiện tại mình cũng đang có loại cám dành riêng cho chim sinh sản ( thường và đột biến ) các bạn có nhu cầu có thể tham khảo TẠI ĐÂY
– Hoa quả: Nên đa dạng các loại hoa quả vì chào mào là loài chim thiên về hoa quả. Chuối tây ( ở mình gọi là chuối gòn ) là không thể thiếu, bạn nên bổ sung thêm đu đủ, thanh long, cam… xoay tua cho chim ăn.
– Mồi tươi: Nếu nuôi chào mào sinh sản bạn không thể thiếu mồi tươi, nên cung cấp đầy đủ – lúc nào cũng có để chim ăn thoải mái yên tâm sinh sản. Một số loại mồi bạn nên cho ăn đó là sâu quy, sâu rồng loại nhỏ, dế, cào cào, trứng kiến… Các bạn nên cho ăn đầy đủ từ khi thả vào avi để đảm bảo chim đủ chất để sinh sản.
– Miền bắc: Vì thời tiết miền bắc có mùa đông lạnh nên chim hầu như không sinh sản, vẫn có trường hợp ngoại lệ nhưng không đáng kể. Chim sinh sản từ khoảng tháng 2-3 dương lịch và nở rộ vào những tháng 4-5-6-7 dương lịch. Từ tháng 8 trở đi những chú chim bắt đầu thay lông nên ngừng sinh sản.
– Miền Nam: Khí hậu Miền Nam hầu như nóng quanh năm nên chim chỉ nghỉ không sinh sản lúc thay lông – khoảng 3 tháng rồi lại tiếp tục sinh sản. Mình không ở trong Nam chỉ nghe anh em bạn bè chia sẻ nên mình chia sẻ lại cho cho anh em như vậy.
Nhiều anh em quan tâm 1 vụ chào mào sinh sản được bao nhiêu lứa, cái này cũng tùy vào từng cặp chim. Đối với nhà mình có cặp chỉ sinh sản được 3 lứa là nghỉ, cặp nhiều nhất được 10 lứa. Mỗi lứa trung bình đẻ 2-3 quả các bạn nhé.
Ghép chào mào sinh sản không những chỉ là đam mê, là thú vui mà hiện tại nó còn đem lại giá trị kinh tế rất tốt. Chào mào bạch tạng, chào mào xám và phần nào đó là chào mào indo đang được anh em nuôi sinh sản rất nhiều, tạo ra giá trị kinh tế cao vừa thỏa mãn đam mê vừa đem lại tài chính tốt, nếu bạn đang tìm hiểu việc nuôi chim sinh sản tạo ra giá trị kinh tế thì có thể tham khảo thêm thị trường hoặc nhắn tin, gọi điện cho mình để cùng trao đổi.
Hy vọng với bài viết trên mình đã cung cấp đủ thông tin cần biết về cách ghép chim chào mào sinh sản cho các bạn, nếu có thắc mắc các vấn đề liên quan đến chim sinh sản đừng ngại liên hệ với mình để cùng trao đổi kinh nghiệm.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Website: https://chimcanhmanhyen.com/
Hotline / Zalo: 0985.72.1994
Facebook: https://www.facebook.com/ManhYenFarm ( Mạnh Yến )
Địa chỉ: Đội 2 Ngọc Lũ – Bình Lục – Hà Nam.